Review du lịch Quảng Trị: Điểm đến tuyệt vời cho du lịch 2024

Quảng Trị là một tỉnh thuộc khu vực miền Trung nước ta, tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Nếu so với các tỉnh thành khác của khu vực thì Quảng Trị quả thực không có nhiều lợi thế về tự nhiên, nhưng vẫn có những danh thắng lịch sử và tôn giáo nổi bật, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Cầu Hiền Lương ở Quảng Trị (ảnh sưu tầm)

Khách du lịch thông thường sẽ lựa chọn du lịch Quảng Trị – Quảng Bình hay du lịch Quảng Trị – Huế, đôi khi chỉ đến Quảng Trị vì mục đích hành hương và một sốtour Xuyên Việt cũng sẽ thêm Quảng Trị vào hành trình liên tuyến Bắc – Nam.

Hãy một lần cùng Viettel Money đến thăm vùng đất lịch sử qua bài review này nhé! 

1. Đi Quảng Trị bằng phương tiện gì?

Xe cá nhân: Cách Hà Nội hơn 600km, việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô sẽ khá vất vả vì phải hơn 10 tiếng mới tới nơi. Tuy nhiên, với du khách đã quen phượt hoặc đi tour xuyên Việt, chạy xe đường dài thì chắc chắn quãng đường này không thành vấn đề. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì các bạn nên vừa đi vừa nghỉ và chạy xe ở tình trạng tỉnh táo để đảm bảo an toàn nhé!

Tàu hỏa đi Quảng Trị (ảnh sưu tầm)

Tàu hỏa: Từ Hà Nội, các bạn có thể đặt vé tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và di chuyển đến ga Đông Hà, Quảng Trị. Thời gian di chuyển bằng tàu hỏa sẽ mất khoảng 12 tiếng, vì vậy các bạn nên đặt các chuyến từ 20-22h để đến nơi vào tầm trưa hôm sau, tránh mất nhiều thời gian lãng phí vào quá trình di chuyển.

Xe khách: Từ bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm, có một số xe chạy tuyến Hà Nội – Quảng Trị như nhà xe Minh Mập, nhà xe Thủy Ngân, nhà xe Tân Kim Chi với giá vé từ 250k – 400k, chạy vào chiều tối hàng ngày, các bạn có thể đặt vé để di chuyển đi Quảng Trị. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đi các xe chạy tuyến Bắc – Nam hoặc xe chạy tuyến Hà Nội – Huế – Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, với những khách có thể trạng kém, việc di chuyển xa bằng xe khách sẽ khiến bạn hao hụt thể lực nhanh chóng và làm chuyến đi bớt vui đi rất nhiều, nên cân nhắc thật kỹ.

Sân bay Phú Bài – Huế (ảnh sưu tầm)

Máy bay: Vì Quảng Trị hiện chưa có đường bay dân dụng nên nếu các bạn muốn di chuyển bằng đường hàng không thì sẽ phải đặt vé đi Quảng Bình hoặc đi Huế, sau đó bắt xe về Quảng Trị. Phương án này tương đối rắc rối với khách chỉ đi tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, nếu đi liên tuyến thì sẽ khá hợp lý và tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển không cần thiết.

2. Du lịch Quảng Trị mùa nào thì đẹp?

Quảng Trị thuộc khu vực miền Trung với khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, cũng có bốn mùa như các tỉnh khác, tuy nhiên thời tiết của các mùa nắng – mưa sẽ khắc nghiệt hơn so với thông thường.

Nhiệt độ cao nên du khách thường chọn đi thác khá nhiều (ảnh sưu tầm)

Mùa hè ở Quảng Trị, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ, nắng gắt và rất khó chịu, còn mùa mưa thì thường xuyên có giông bão, gây lũ lụt và thiên tai nguy hiểm. Chính vì vậy, nếu đi du lịch Quảng Trị, các bạn nên cân nhắc đi vào khoảng trước tháng 6 và sau tháng 10 để đảm bảo lộ trình an toàn và trải nghiệm tốt nhất!

3. Lưu trú tại Quảng Trị

Ở Quảng Trị, bạn có thể tìm thấy nhiều loại hình lưu trú phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình. Dưới đây là một số loại hình lưu trú phổ biến:

Resort ven biển: Cung cấp không gian nghỉ dưỡng sang trọng và tiện nghi, thường có các hoạt động giải trí và dịch vụ spa: Sepon Boutique, Sai Gon Dong Ha hotel, Muong Thanh Grand Quang Tri…

Sepon Boutique ở Quảng Trị (ảnh sưu tầm)

Khách sạn: Từ khách sạn cao cấp đến các khách sạn tiêu chuẩn, đều cung cấp các phòng nghỉ thoải mái và dịch vụ đa dạng: Khách sạn Đông Trường Sơn, Hải Đăng Hotel, Khách sạn Mekong 2….

Homestay: Cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và thưởng thức ẩm thực truyền thống: Garden Homestay, Thanh Thúy Guesthouse, Alex Homestay, Hòa Phượng Guesthouse…

4. Review chi tiết du lịch Quảng Trị 3 ngày 2 đêm

Ngày 1: Di chuyển tới Quảng Trị – Địa Đạo Vịnh Mốc – Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải – Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – Thành cổ Quảng Trị – Thánh địa La Vang

Các chuyến bay vào sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) không nhiều, rất may mắn là đoàn mình đặt được vé vào chiều tối. Tới nơi check-in khách sạn là cũng đã tối muộn và ở đây các cửa hàng đều đóng cửa khá sớm nên đoàn chỉ ăn tối và nghỉ ngơi. Vì lịch trình hôm sau rất dài nên cả đoàn đều đi ngủ sớm để giữ sức khỏe.

Địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị (ảnh sưu tầm)

Sáng hôm sau 6h30 đoàn đã ăn buffet sáng tại khách sạn, 7h15 di chuyển đến điểm thăm quan đầu tiên là Địa Đạo Vịnh Mốc.

Nơi đây lưu giữ rất nhiều kỉ vật và dấu vết còn lại trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của người dân Quảng Trị. Đến nơi này đoàn mình đã có cơ hội học được lịch sử nước nhà một cách trực quan nhất, thực tế nhất. Mình được cảm nhận trực tiếp và lắng nghe câu chuyện trông qua các hiện vật trưng bày, không gian địa đạo chứ không như việc chỉ ngồi đọc sách hoặc xem báo đài.

Hào giao thông ở địa đạo Vịnh Mốc (ảnh sưu tầm)

Ở Địa Đạo Vịnh Mốc, đoàn mình có vài người không dám đi vì sợ không gian hẹp, thế mới hiểu ngày xưa bộ đội nước mình giỏi và khéo tới thế nào. Tiếp theo đoàn di chuyển tới cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, đi tới nơi thì bài hát trên loa vang lên. Sông Bến Hải là địa danh chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt hai miền Nam Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Buổi trưa đoàn mình về lại thành phố Đông Hà nghỉ ngơi và ăn trưa. Kinh nghiệm là nên đặt trước và thử các món ăn địa phương: bún nghệ, gỏi tép và bánh đúc rau câu. 

Thành phố Đông Hà đang phát triển rất nhanh (ảnh sưu tầm)

Đầu giờ chiều đoàn di chuyển đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đây là nghĩa trang quốc gia lớn nhất Việt Nam, nơi yên nghỉ của liệt sĩ đã chiến đấu hết mình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn quy tụ 10.263 phần mộ liệt sĩ (ảnh sưu tầm)

Nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm ác liệt là điểm tiếp theo đoàn mình đi qua thăm quan. Thành cổ Quảng Trị là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa. 

Thành cổ Quảng Trị từ trên cao (ảnh sưu tầm)

Điếm cuối cùng trong buổi chiều, đoàn mình đến Thánh Địa La Vang, đây được coi như là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội công giáo Việt Nam. Theo lời kể lại của các tín đồ công giáo thì họ tin rằng Đức mẹ Maria đã hiển linh nơi đây. 

Địa điểm nhất định sẽ đến của các tín đồ công giáo Việt Nam (ảnh sưu tầm)

Sau đó đoàn quay trở lại thành phố Đông Hà vào lúc 19h00 và ăn tối. Mình đã được trải nghiệm thêm các món đặc sản khác, đó là thịt trâu lá ương, bắp hầm, bún chắt chắt. 

Ngày 2: Cửa Việt – Đảo Cồn Cỏ

Đi tới đảo Cồn Cỏ cần phải di chuyển bằng tàu cao tốc khoảng 1,5 tiếng, khá may mắn cho đoàn mình hôm đó biển không động nên không ai bị say sóng cả. 

Qua cổng chào Cồn Cỏ sẽ đến cột cờ Tổ Quốc với ý nghĩa đánh dấu chủ quyền. Đoàn mình tiếp tục thăm phòng truyền thống để được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử anh hùng của huyện đảo Cồn Cỏ.

Góc nhìn từ Đảo Cồn Cỏ (ảnh sưu tầm)

Buổi trưa nên đoàn mình được ăn và nhận phòng nghỉ ngơi trên đảo, giá trên đảo không hề quá đắt so với bên trong đất liền, phòng lại rất sạch sẽ và đủ các tiện nghi cơ bản.

Đầu giờ chiều đoàn được đi khám phá thêm phần rừng nguyên sinh, leo ngọn hải đăng để ngắm nhìn đảo Cồn Cỏ từ trên cao, hoạt động này phù hợp nhiều hơn với các bạn trẻ vì đường lên hải đăng cũng khá là khó đi. 

Hải đăng Cồn Cỏ nằm giữa rừng nguyên sinh (ảnh sưu tầm)

Tiếp tục đoàn đến Đài tưởng niệm liệt sĩ đảo Cồn Cỏ, tri ân những người lính đã anh dũng hi sinh xương máu của mình để bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc.

Trên đảo có điểm bến Nghè là nơi đón ánh nắng đầu tiên trên đảo, mình còn nghe truyền thuyết về các loại san hô, đặc biệt là san hô đỏ. Loài này còn được coi như biểu tượng trên đảo Cồn Cỏ.

.

Con đường san hô trên đảo (ảnh sưu tầm)

Sau đó tầm chiều muộn, nắng xuống nhẹ nhàng, đoàn mình tắm biển ở bến Tranh và về phòng thay đồ chuẩn bị ăn tối.

Nắng nhẹ nhàng, biển trong xanh ở Cồn Cỏ (ảnh sưu tầm)

Trên đảo có thực đơn hải sản rất phong phú, đoàn mình đã có một bữa tối rất no nê.  Sau đó đi ra bờ biển uống nước dừa, ngắm biển đêm. Biển đêm ở đảo Cồn Cỏ rất tinh lặng, chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào và hơi muối mặn.

Ngày 3: Tạm biệt Cồn Cỏ –  Quảng Trị – Đồng Hới – Hà Nội

Ngày cuối cùng của chuyến du lịch, mình dậy sớm và đón bình minh ở bến Nghè trước khi trở về theo lộ trình Quảng Trị – Đồng Hới – Hà Nội. 

Bình minh quyến rũ ở Cồn Cỏ (ảnh sưu tầm)

Hãy đặt chân đến Quảng Trị để khám phá lịch sử và cảm nhận những câu chuyện đầy cảm xúc. Đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm văn hóa và di sản đặc biệt của vùng đất đã từng rất đau thương này, chắc chắn bạn sẽ được truyền cảm hứng rất nhiều.

Tin tức khác

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

_________________

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Đại

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

Viettel Digital

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số ViettelChi nhánh Tập đoàn Công nghiệpViễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.