Cẩm nang du lịch Hòa Bình trong bàn tay: Những địa điểm hấp dẫn
Hòa Bình luôn là một điểm đến thu hút cả du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây có lợi thế rất lớn khi chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 1h30’ di chuyển mà lại có đủ các loại hình trải nghiệm, địa hình đa dạng và nhiều món ăn ngon. Cùng Viettel Money xách ba lô lên và đi thăm nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn.
1. Giới thiệu Hòa Bình
Tỉnh Hòa Bình nằm cách Hà Nội khoảng 80-140 km, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, thu hút các du khách bởi phong cảnh tuyệt đẹp của sông hồ, suối khoáng, vườn quốc gia và bản sắc văn hóa đa dạng của người dân tộc H’Mông, Mường, Dao, Thái…
Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu nghỉ dưỡng, Hòa Bình đã trở thành điểm đến phổ biến cho những du khách muốn thư giãn và nghỉ ngơi. Làm thế nào để có thể du lịch Hòa Bình đúng cách, hãy khám phá trong cẩm nang du lịch Hòa Bình dưới đây.
Thủy điện Hoà Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20 (ảnh sưu tầm)
2. Du lịch Hòa Bình mùa nào thì đẹp nhất?
Với diện tích rộng lớn và nhiều danh lam thắng cảnh, Hòa Bình mang đến trải nghiệm khác nhau vào mỗi mùa. Thông thường thì du khách Hà Nội ưa thích mùa hè nơi đây khi thời tiết ở Mai Châu, Thung Nai se lạnh.
Đầu năm tuy tiết trời hơi lạnh nhưng lại là mùa của lễ hội, mùa của những chuyến du xuân với những khám phá mới. Dịp này, các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh thu hút khá đông du khách đến vãn cảnh, chiêm bái.
Nổi tiếng nhất là đền Thác Bờ nằm trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; đền thượng Bồng Lai và quần thể hang động Núi Đầu Rồng, đền Đông Sơn (thị trấn Cao Phong – Cao Phong); khu danh lam thắng cảnh chùa Tiên (xã Phú Nghĩa – Lạc Thủy); chùa Hang – hang Chùa (xã Yên Trị – Yên Thủy)…
Ai mà không động lòng trước khung cảnh này chứ? (ảnh sưu tầm)
Bên cạnh những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có đủ núi non, sông hồ, thác nước, hang động, những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, Hòa Bình còn níu chân du khách bởi sắc thái văn hóa đa dạng.
Đó là nét quyến rũ của những làn điệu dân ca, âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng từ những bản làng khắp bốn vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) hay tiếng khèn réo rắt của các chàng trai Mông trên rẻo cao Hang Kia – Pà Cò, vòng xòe vui đêm hội của thiếu nữ dân tộc Thái huyện Mai Châu, điệu múa chuông vui nhộn của người Dao huyện Đà Bắc…
Ruộng bậc thang Hòa Bình thu hút mọi ánh nhìn (ảnh sưu tầm)
Tháng 5-6, du khách sẽ chìm đắm trong mùa lúa vàng của Mai Châu. Còn từ tháng 5 đến 8, Thung Nai sẽ vô cùng tươi mát với làn nước xanh biếc của sông Đà. Đừng bỏ lỡ cơ hội thăm suối khoáng nóng Kim Bôi vào mùa đông hoặc ghé thăm Lũng Vân vào mùa xuân, khi hàng trăm loài hoa bung nở và sương mờ phủ trắng những làng Mường dưới chân núi.
Du lịch Hoà Bình có đủ cả núi non, sông nước (ảnh sưu tầm)
3. Di chuyển tới Hòa Bình bằng phương tiện gì?
Có rất nhiều lựa chọn để đến Hòa Bình nhưng phổ biến nhất chính là xe khách hoặc đi xe máy. Với xe máy du khách có thể lựa chọn thuê tại thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Di chuyển bằng xe máy tuy không tiện lợi như ô tô nhưng du khách sẽ có cơ hội ngắm toàn cảnh các ngọn núi rất đẹp. Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa có nhiều nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Hòa Bình với giá khoảng 60.000VNĐ một chiều.
Ngoài ra, xe limousine cũng là một phương tiện thoải mái hơn với giá khoảng 220.000VNĐ một chiều, một số nhà xe chạy thẳng tuyến Hà Nội – Mai Châu cũng có các điểm dừng ở thành phố Hòa Bình, Tân Lạc hay đèo đá trắng.
Du lịch Hoà Bình bằng xe máy là một thử thách đối với các phượt thủ (ảnh sưu tầm)
Nếu muốn tự đi xe máy thì có hai tuyến đường phổ biến từ Hà Nội: một là theo cao tốc Hoà Lạc trực tiếp đến Hoà Bình (đường 6 mới) hoặc rẽ trái từ cao tốc Hoà Lạc vào quốc lộ 21 và đi qua Xuân Mai (đường 6 cũ). Tùy thuộc vào điểm đến cụ thể, du khách có thể chọn tuyến đường phù hợp. Đối với người đi xe máy, tuyến đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) qua Hà Đông và tiếp tục dọc theo quốc lộ 6 là lựa chọn phù hợp nhất.
Đường đi Hoà Bình rất đẹp và dễ tìm (ảnh sưu tầm)
4. Tổng hợp các địa điểm du lịch Hòa Bình
4.1. Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được hoàn thành vào năm 1994. Công trình này không chỉ có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với ngành công nghiệp trong việc tự sản xuất điện và cung cấp điện của Việt Nam mà còn là địa điểm nổi tiếng khi nhắc đến du lịch Hòa Bình.
Thuỷ điện Hoà Bình trong màn đêm huyền ảo (ảnh sưu tầm)
4.2. Hồ thủy điện Hòa Bình
Đây là một công trình quy mô lớn chứa hàng trăm hòn đảo to nhỏ khác nhau. Hồ thủy điện Hòa Bình giống như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với sự hài hòa của núi rừng và màu sắc huyền bí của nước hồ. Bạn có thể thư giãn và tận hưởng không gian tuyệt vời này trong kỳ nghỉ của mình. Các trò chơi chèo thuyền, kayak, sub trên lòng hồ cũng là một hoạt động rất được lòng khách du lịch trong và ngoài nước.
Khung cảnh thật hùng vĩ (ảnh sưu tầm)
4.3. Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi
Vùng Kim Bôi có nguồn nước khoáng tự nhiên, vừa là nơi lý tưởng để thư giãn vừa để chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể tận hưởng việc ngâm mình trong làn nước ấm và hoàn toàn thả lỏng cơ thể. Tắm nước khoáng tăng khả năng miễn dịch, chống các bệnh mãn tính về xương khớp, tim mạch, làm giảm quá trình lão hóa và giúp tinh thần sảng khoái.
Thiên nhiên ưu đãi cho Hoà Bình suối nước nóng (ảnh sưu tầm)
4.4. Đèo Thung Khe
Đèo Thung Khe rất ấn tượng bởi con đường uốn lượn quanh co. Hãy dừng chân tại đây và thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ xung quanh. Những con đường lượn quanh co là một trong những thử thách rất lớn cho các phượt thủ khi chinh phục cung đường này. Phần thưởng xứng đáng chính là khi thị trấn Mai Châu tuyệt đẹp hiện ra trước mắt ở cuối con đường.
Thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Thung Khe (ảnh sưu tầm)
4.5. Khu du lịch Bản Lác
Nơi đây có nét đẹp thơ mộng của những ngôi nhà sàn và cảnh quan hữu tình. Bạn có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Thái và khám phá văn hóa truyền thống của họ. Các chương trình tổ chức ăn uống và giao lưu văn hóa là một trong những điểm nhấn khó quen tại khu du lịch Bản Lác.
Những mái nhà nhấp nhô dưới chân núi (ảnh sưu tầm)
4.6 Các hoạt động văn hóa trải dài trong tỉnh Hòa Bình
Nhằm tăng sức hút cho du lịch Hòa Bình, các hoạt động văn hóa tại tỉnh đã được tổ chức hàng năm. Tiêu biểu là sự kiện Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường quy mô cấp tỉnh đã đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Trong tuần đầu của lễ hội chùa Tiên – Lạc Thuỷ (từ 4/1 đến hết tháng 3 âm lịch) đón 2.000 – 4.000 lượt khách/ngày. Lễ hội rước nước đền Bồng Lai – Đông Sơn (Cao Phong) vào 2/2 âm lịch đón 5.000 lượt khách. Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu) từ 8-15/1 âm lịch đón hơn 6.000 khách…(thống kê số liệu năm 2022 của báo Hòa Bình)
Các lễ hội được tổ chức rất quy củ và thu hút khách du lịch (ảnh sưu tầm)
4.7. Động Đá Bạc
Động Đá Bạc sẽ khiến du khách mê mẩn với vẻ đẹp huyền ảo. Chỉ cách trung tâm Hòa Bình khoảng 50km, bạn có thể dễ dàng đến đây và thưởng thức khung cảnh tuyệt vời bên trong. Hệ thống hang được chiếu sáng làm nổi bật lên vẻ đẹp của các khối đá và thạch nhũ độc đáo.
Mối khối đá lại có hình dáng độc đáo khác nhau (ảnh sưu tầm)
4.8. An Lạc Ecofarm and Hot Springs (Kim Bôi)
Khu nghỉ dưỡng đã tái hiện không gian văn hóa xưa của người Mường để du khách đến trải nghiệm. Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (TP Hòa Bình) có chương trình thăm quan, dã ngoại, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên các trường. Điểm du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Mường bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) với chương trình khám phá vẻ đẹp lòng hồ Hòa Bình, trải nghiệm homestay để thưởng thức ẩm thực xứ Mường, chèo thuyền Sub, Kayak và giao lưu văn nghệ bản Mường…
An Lạc Ecofarm có không gian rất phù hợp với hoạt động nghỉ dưỡng (ảnh sưu tầm)
4.8. Động Thác Bờ
Không gian linh thiêng cùng những thạch nhũ kỳ ảo khiến động Thác Bờ là điểm đến thú vị, vô cùng phù hợp cho những du khách thích sự khám phá. Khi vào sâu trong động thì du khách có thể khám phá những khối thạch nhũ với muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ đọng lại trải qua hàng nghìn năm trước.
Động Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hoà Bình (ảnh sưu tầm)
5. Ẩm thực tại Hòa Bình
5.1. Cơm Lam
Cơm lam vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của người dân xứ Mường ở Hòa Bình. Cách chế biến cơm lam rất đơn giản. Đầu tiên là khâu chọn ống nứa, muốn có ống cơm lam thơm ngon, đẹp mắt thì phải chọn cây nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, chặt khúc dài khoảng 30cm.
Gạo để làm cơm lam là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm. Vo gạo cho sạch, ngâm khoảng 6-8 tiếng, sau đó để ráo nước rồi cho vào ống, lấy lá chuối khô nút chặt đầu. Tiếp theo ống cơm lam sẽ được đem nướng trên lửa.
Món cơm lam quen thuộc (ảnh sưu tầm)
Khi thấy hơi nước bốc ra từ nắp có mùi thơm là cơm lam đã chín. Lấy dao chẻ lớp vỏ bên ngoài, chỉ để lại lớp lạt mỏng. Khi ăn, bóc vỏ rồi ăn cùng với muối vừng là hấp dẫn và ngon nhất. Với cách chế biết đặc biệt và hương vị thơm ngon, cơm lam Hòa Bình đã trở thành một món ăn độc đáo, ấn tượng.
5.2. Thịt lợn muối chua
Thịt chua không chỉ được dùng làm món ăn trong mâm cỗ ngày rằm, ngày tết của người Dao Tiền mà họ còn dùng để tiếp đón khách quý. Họ coi đó là món ăn đặc biệt trong ẩm thực truyền thống của dân tộc mình. Ấn tượng ban đầu khi du khách thưởng thức món thịt muối chua này là rổ lá đi kèm, thực khác phải dùng tay cuộn thịt với lá để hương vị được hòa quyện..
Thịt lợn muối chua là một món ăn quý trong văn hoá người Dao Tiền (ảnh sưu tầm)
5.3. Thịt lợn mán
Lợn mán Hòa Bình thường được nuôi thả tự nhiên, sau khi cắt tiết sẽ được đem thui vàng, thui đến đâu cạo sạch lông đến đó, rồi đem rửa sạch. Người ta xẻ thịt lợn cho vào luộc lửa liu riu cho đến khi vừa chín tới, thái thật mỏng, bày lên lá chuối rừng. Đĩa thịt nóng hôi hổi rất dậy. Chấm thịt với muối rang trộn hạt dổi nướng giã nhỏ sẽ khiến bạn ngất ngây. Món ăn có vị ngọt của thịt, lớp da giòn béo ngậy, hòa quyện trong hương vị nồng nồng của hạt dổi và vị đậm đà của muối rang
Mẹt lợn mán với nhiều cách chế biến khác nhau (ảnh sưu tầm)
5.4. Thịt trâu lá lồm
Món thịt trâu nấu lá lồm được chế biến từ nguyên liệu thịt trâu, lá lồm, gừng, tỏi, ớt, nước mắm và gia vị. Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng vừa ăn ướp với gừng, tỏi băm nhỏ. Khi nấu bỏ vào nồi đun cho thịt chín mềm, rồi vò lá lồm cho vào đảo đều, đun tiếp 10 phút.
Thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm khi còn nóng sẽ cảm thấy vị ngọt thơm của thịt trâu, vị chua thanh của lá lồm, mùi hương của gừng, tỏi. Nếu ai đã từng đi du lịch Hòa Bình thì chắc chắn có có một ấn tượng khó phai khi thưởng thức món thịt trâu lá lồm.
Thị trâu lá lồm là món ăn được nhiều du khách ưa thích bởi sự mới lạ và dễ ăn (ảnh sưu tầm)
6. Nghỉ ngơi ở đâu khi du lịch Hòa Bình?
Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Hòa Bình cũng có nhiều mức giá khác nhau và phù hợp với tất cả các du khách từ khu homestay thân thiện cho đến những nơi nghỉ dưỡng sang trọng. Các mức giá dao động từ 300.000VNĐ/đêm tới 5.000.000VNĐ/đêm, các dịch vụ cũng rất phong phú: Mường Bi homestay, Thảo Ly homestay, homestay Highland Hmong, Thung Reach house…
Ngoài ra, khi đi du lịch Hòa Bình, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác: bể bơi nước nóng, tắm onsen, massage đá nóng, chụp hình với trang phục dân tộc, cắm trại nhảy lửa, thưởng thức ẩm thực dân tộc.
Hòa Bình có cảnh đẹp hùng vĩ với những dãy núi, thác nước, sông hồ đẹp và văn hóa dộc đáo của người đồng bảo dân tộc thiểu số. Những ưu thế đã đã khiến cho nơi đây trở thành một điểm du lịch quen thuộc với nhiều du khách. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng khi lựa chọn nơi đây là địa điểm du lịch cho mùa hè này!