Những nội dung quan trọng của nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nhằm giúp khách hàng Viettel Money có thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, Viettel thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung quan trọng tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân với các nội dung chính sau:

  1. Làm rõ các định nghĩa liên quan đến dữ liệu cá nhân và xử lý dữ liệu cá nhân (Điều 1 Nghị định)
  2. Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm
Dữ liệu cá nhân cơ bản
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có);
b) Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích;
c) Giới tính;
d) Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ;
đ) Quốc tịch;
e) Hình ảnh của cá nhân;
g) Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; h) Tình trạng hôn nhân;
i) Thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái);
k) Thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng;
l) Các thông tin khác gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể không phải là Dữ liệu cá nhân nhạy cảm.  
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm
Là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm:
a) Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo;
b) Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;
c) Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;
d) Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;
đ) Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;
e) Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;
g) Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;
h) Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
i) Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;
k) Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.
  • Chủ thể dữ liệu là cá nhân được dữ liệu cá nhân phản ánh.
  • Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân.
  • Bên Xử lý dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý dữ liệu thay mặt cho Bên Kiểm soát dữ liệu, thông qua một hợp đồng hoặc thỏa thuận với Bên Kiểm soát dữ liệu.
  • Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân đồng thời quyết định mục đích, phương tiện và trực tiếp xử lý dữ liệu cá nhân.
  • Quy định về các hoạt động xử lý dữ liệu có liên quan tới hoạt động của VDS (Điều 1 Nghị định)
  •  Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.
  • Xử lý dữ liệu cá nhân tự động là hình thức xử lý dữ liệu cá nhân được thực hiện bằng phương tiện điện tử nhằm đánh giá, phân tích, dự đoán hoạt động của một con người cụ thể, như: thói quen, sở thích, mức độ tin cậy, hành vi, địa điểm, xu hướng, năng lực và các trường hợp khác.
  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
  • Quy định các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 3 Nghị định)

1. Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

4. Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý. Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

5. Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

6. Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

7. Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

8. Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định tại các nguyên tắc được liệt kê phía trên và chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

  • Quy định về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 11 Nghị định)

1. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu được áp dụng đối với tất cả các hoạt động trong quy trình xử lý dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu chỉ có hiệu lực khi chủ thể dữ liệu tự nguyện và biết rõ các nội dung sau: Loại dữ liệu cá nhân được xử lý; Mục đích xử lý dữ liệu cá nhân; Tổ chức, cá nhân được xử lý dữ liệu cá nhân; Các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.

3. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này.

4. Sự đồng ý phải được tiến hành cho cùng một mục đích. Khi có nhiều mục đích, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân liệt kê các mục đích để chủ thể dữ liệu đồng ý với một hoặc nhiều mục đích nêu ra.

5. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

6. Sự im lặng hoặc không phản hồi của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý.

7. Chủ thể dữ liệu có thể đồng ý một phần hoặc với điều kiện kèm theo.

8. Đối với xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, chủ thể dữ liệu phải được thông báo rằng dữ liệu cần xử lý là dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

9. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu có hiệu lực cho tới khi chủ thể dữ liệu có quyết định khác hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

10. Trong trường hợp có tranh chấp, trách nhiệm chứng minh sự đồng ý của chủ thể dữ liệu thuộc về Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân.

  • Quy định nghĩa vụ thông báo khi xử lý dữ liệu cá nhân (Điều 13 Nghị định)

1. Việc thông báo được thực hiện một lần trước khi tiến hành đối với hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

2. Nội dung thông báo cho chủ thể dữ liệu về xử lý dữ liệu cá nhân bao gồm: Mục đích xử lý; Loại dữ liệu cá nhân được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý; Cách thức xử lý; Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý; Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra; Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.

3. Việc thông báo cho chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định không cần thực hiện thông báo khi chủ thể dữ liệu đã biết rõ và đồng ý toàn bộ nội dung thông báo nêu trên trong quá xin sự đồng ý.

  • Quy định nghĩa vụ lập và lưu giữ hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân (Điều 24 Nghị định)

1. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân của mình kể từ thời điểm bắt đầu xử lý dữ liệu cá nhân.

9 thành phần trong Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân bao gồm:

a) Thông tin và chi tiết liên lạc của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân;

b) Họ tên, chi tiết liên lạc của tổ chức được phân công thực hiện nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân và nhân viên bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân;

c) Mục đích xử lý dữ liệu cá nhân;

d) Các loại dữ liệu cá nhân được xử lý;

đ) Tổ chức, cá nhân nhận dữ liệu cá nhân, bao gồm tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam;

e) Trường hợp chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài;

g) Thời gian xử lý dữ liệu cá nhân; thời gian dự kiến để xoá, hủy dữ liệu cá nhân (nếu có);

h) Mô tả về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng;

i) Đánh giá mức độ hưởng của việc xử lý dữ liệu cá nhân; hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra, các biện pháp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ, tác hại đó.

4. Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân phải luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an và gửi Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) 01 bản chính theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định 13/2023/NĐ-CP trong thời gian 60 ngày kể từ ngày tiến hành xử lý dữ liệu cá nhân.

5. Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) đánh giá, yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân hoàn thiện Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và đúng quy định.

6. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân cập nhật, bổ sung Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân khi có sự thay đổi về nội dung hồ sơ đã gửi cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) theo Mẫu số 05 tại Phụ lục của Nghị định 13/2013/NĐ-CP.

  • Quy định các biện pháp bảo vệ Dữ liệu cá nhân (Điều 26, 27, 28 Nghị định)

1. Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.

2. Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm:

a) Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;

b) Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;

c) Xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nêu rõ những việc cần thực hiện theo quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP;

d) Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề, hoạt động có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân;

e) Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống và phương tiện, thiết bị phục vụ xử lý dữ liệu cá nhân trước khi xử lý, xóa không thể khôi phục được hoặc hủy các thiết bị chứa dữ liệu cá nhân;

f) Chỉ định bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trao đổi thông tin với Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân;

g) Thông báo cho Khách hàng biết việc dữ liệu cá nhân nhạy cảm của Khách hàng được xử lý, trừ trường hợp có quy định khác.  

Tin tức khác

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

Viettel Digital

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Đại

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

_________________

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Đại