Top 6 địa điểm du lịch miền Tây hấp dẫn không phải ai cũng biết
Du lịch miền Tây sông nước chắc hẳn là một trải nghiệm khá xa lạ đối với hầu hết du khách ở xa. Đôi khi các bạn sống tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa từng bước chân đến vùng đất này. Nơi đây được biết đến với sự thơ mộng trữ tình của thiên nhiên và sự nhiệt tình hiếu khách của bà con ở vùng quê mộc mạc. Hãy theo chân Viettel Money để xây dựng lịch trình đi tham quan, vui chơi, giải trí thú vị ở miền Tây Nam Bộ nhé!
1. LÀNG NỔI TÂN LẬP
“Viên ngọc xanh” ẩn mình giữa lòng Đồng Tháp Mười là tên gọi ví von mà người dân đã đặt cho làng nổi Tân Lập. Địa điểm này tọa lạc tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách biên giới Campuchia chỉ 15km về phía Nam. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh rừng tràm xanh mướt, trải dài tít tắp, hàng loạt bông sen hồng rực rỡ, hoa súng tím biếc và ruộng lục bình phẳng lặng cũng như nhiều loài chim quý hiếm, cá tôm tung tăng bơi lội.
Tham quan làng nổi Tân Lập (nguồn: Sưu tầm)
Khi du lịch miền Tây tại làng nổi Tân Lập – Long An, du khách nhất định phải trải nghiệm các hoạt động như:
- Dạo bước xuyên rừng tràm: Con đường dài 5km len lỏi giữa những tán cây tràm rợp bóng mát là điểm đến lý tưởng để du khách tản bộ, hít thở không khí trong lành và lưu giữ những bức ảnh “sống ảo” tuyệt đẹp.
- Đến tháp Quan Sát: Ngay giữa trung tâm khu rừng, bạn có thể lên tháp Quan Sát cao 18m để phóng tầm mắt ra toàn cảnh “vương quốc tràm” xanh ngút ngàn.
- Khám phá đảo thuần dưỡng chim: Nơi đây là nhà của vô số loài chim quý hiếm và được xem như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ nhưng tràn đầy sức sống.
- Trải nghiệm đời sống miền Tây: Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm những trò chơi thú vị như bịt mắt bắt vịt, cầu rung lắc,… và tìm hiểu về quy trình nuôi ong mật.
- Check-in tại cầu chữ X: Cây cầu mang hình chữ X độc đáo là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với làng nổi Tân Lập.
Chụp ảnh tại cầu chữ X ở làng nổi (nguồn: Sưu tầm)
Nếu bạn muốn hòa mình vào không khí lễ hội ở Long An, hãy đến đây vào các thời điểm:
- 15 – 17 tháng Chạp: Đại Lễ Kỳ Yên ở huyện Tân Trụ dùng để cúng tế thần Hoàng Bổn Cảnh và những người đã khai hoang mảnh đất này.
- 15 – 16 tháng Giêng: Lễ hội Làm Chay ở huyện Châu Thành nhằm tưởng nhớ đến 2 nhà yêu nước đã bị giặc Pháp giết hại, sau khi xong nghi lễ, du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian bịt mắt đập nồi đất, nhảy bao bố, leo cột mỡ, kéo co, thả – bắt vịt,…
- 18 – 20 tháng Giêng: Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành diễn ra ở huyện Cần Giuộc với mục đích cầu an lành cho người dân, ngoài việc xem lễ, bạn còn có thể chiêm ngưỡng các màn múa bóng rối, hát địa nàng,… đặc trưng tại đây.
Sau khi đã vui chơi và thư giãn tại làng nổi Tân Lập, bạn có thể tiếp tục chuyến hành trình du lịch miền Tây ở tỉnh Long An bằng cách ghé thăm các địa điểm như: Nhà trăm cột, công viên nước Rio, khu du lịch Cánh đồng bất tận, khu sinh thái Cát Tường Phú Sinh,…
Du lịch miền Tây tại Cánh đồng bất tận (nguồn: Sưu tầm)
2. CỒN THỚI SƠN
Cù lao Thới Sơn Mỹ Tho – Tiền Giang hay còn gọi là Cồn Thới Sơn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích miệt vườn sông nước miền Tây. Nơi đây sở hữu hệ thống vườn cây trái lớn trĩu quả, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và khó quên.
Ghé thăm cồn Thới Sơn ở Mỹ Tho (nguồn: Sưu tầm)
Đến với địa điểm du lịch Miền Tây này, bạn sẽ được thưởng thức cảm giác bình yên khi di chuyển bằng thuyền dọc theo dòng nước xanh mát, ngắm nhìn khung cảnh miệt vườn thơ mộng. Song song với đó là trải nghiệm chèo xuồng len lỏi trong những rặng dừa nước rì rào, tận hưởng bầu không khí trong lành và thanh mát. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức các loại trái cây tươi ngon ngay tại vườn. Và bạn có thể tham gia một số hoạt động khác như:
- Chụp ảnh với trăn gấm: Trải nghiệm cảm giác mạo hiểm khi chụp ảnh cùng những chú trăn gấm khổng lồ.
- Thưởng thức kẹo dừa: Tìm hiểu cách làm kẹo dừa truyền thống và thưởng thức những viên kẹo thơm ngon, béo ngậy.
- Dạo xe ngựa: Đi xe ngựa thong dong trên những con đường làng mộc mạc, cảm nhận nhịp sống bình dị của người dân địa phương.
- Học hỏi nuôi ong: Tìm hiểu về quy trình nuôi ong truyền thống, thưởng thức trà mật ong thơm ngon và bổ dưỡng.
- Nghe đờn ca tài tử: Đắm chìm trong những làn điệu đờn ca tài tử Nam Bộ ngọt ngào, du dương.
Để tận hưởng trọn vẹn nét đặc trưng văn hóa vùng miền tại Tiền Giang, bạn nên đến đây vào thời điểm 20/1 – khi người dân địa phương tổ chức lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút với nhiều hoạt động thú vị: Đua thuyền, hội thi “cá, kiểng chim, hoa”, thả diều,… Hoặc ngày 9 – 10 tháng 3 để tham gia và lễ hội Nghinh Ông tại Gò Công Đông. Đồng thời, bạn nên cân nhắc ghé thăm các địa điểm nổi tiếng ở nơi đây như: Biển Tân Thành, chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp,… và ăn hủ tiếu Mỹ Tho, cháo cá lóc rau đắng.
Tham quan chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang (nguồn: Sưu tầm)
3. QUẦN ĐẢO HẢI TẶC
Đảo Hải Tặc – cái tên ẩn chứa nhiều giai thoại lịch sử, từng nổi tiếng với hoạt động cướp biển vào đầu thế kỷ XX bởi nơi đây là vị trí chiến lược trên “con đường tơ lụa” nối liền Châu Á và Châu Âu. Ngày nay, hòn đảo này đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và những trò giải trí thú vị. Đến với Đảo Hải Tặc, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá những nét đẹp độc đáo:
- Ngắm san hô: Thuê dịch vụ lặn để chiêm ngưỡng thế giới san hô đầy màu sắc rực rỡ với vô số loài sinh vật biển quý hiếm.
- Tắm biển: Thỏa sức vẫy vùng trong làn nước biển xanh mát, tận hưởng cảm giác thư giãn và sảng khoái.
- Nướng BBQ: Tự tay chuẩn bị những món ăn ngon và thưởng thức cùng bạn bè và gia đình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
- Câu cá: Trải nghiệm thú vui câu cá trên biển, thử sức với những loài cá hung dữ và thưởng thức thành quả sau khi “gặt hái” được.
- Các hoạt động khác: Du khách còn có thể tham gia khám phá hang động, trekking, chèo thuyền kayak,…
Quần đảo hải tặc – điểm đến du lịch miền Tây hấp dẫn (nguồn: Sưu tầm)
Có thể bạn chưa biết, nền du lịch miền Tây ở Kiên Giang cũng gắn liền với các lễ hội truyền thống:
- Lễ hội Nghinh Ông Hòn Sơn: Thời điểm người dân bày tỏ lòng thành kính với cá Ông, được diễn ra vào ngày 15 – 16 tháng 10 âm lịch.
- Lễ hội đua thuyền Phú Quốc: Được tổ chức vào dịp 30/4 – 1/5 với quy mô lớn nhằm khích lệ tinh thần rèn luyện sức khỏe và ý chí của ngư dân miền biển.
Đặc biệt, khi du lịch miền Tây và ghé thăm Kiên Giang, bạn nhất định phải thử qua các món đặc sản như bún kèn, cơm ghẹ Phú Quốc, hủ tiếu hấp, gỏi cá trích, lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu,… và check-in tại Rạch Giá, quần đảo Nam Du, vườn quốc gia U Minh Thượng, quần đảo Bà Lụa, Hà Tiên,…
Tham quan quần đảo Nam Du (nguồn: Sưu tầm)
4. KHU DU LỊCH CỒN SƠN
Để đến Cồn Sơn – Cần Thơ, du khách di chuyển từ bến đò Cô Bắc và tự do khám phá theo bản đồ sau khi đến nơi hoặc thuê hướng dẫn viên hỗ trợ. Thời điểm lý tưởng nhất để đến đây là vào tháng 3 – 4 – 5 âm lịch – mùa thu hoạch trái cây, khi những vườn cam, quýt, bưởi, ổi, xoài,… đầy ắp quả, ao sen nở rực rỡ và khung cảnh người dân cho hàng vạn con cá ăn trên sông Hậu tạo nên bức tranh miệt vườn độc đáo, thanh bình và thơ mộng.
Du lịch miền Tây ở Cồn Sơn – Cần Thơ (nguồn: Sưu tầm)
Địa điểm du lịch miền Tây – Cồn Sơn còn mang đến cơ hội trải nghiệm văn hóa ở cùng đất này. Ví dụ như bạn có thể xem màn trình diễn “Cá lóc bay”, tự tay làm bánh dân gian dưới sự hướng dẫn của cô thím tại địa phương có tay nghề lâu năm. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm đút cá ăn cơm – hoạt động giải trí, gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây còn níu chân du khách bởi những món ăn dân dã thơm ngon, mang đậm vị miền Tây: Lẩu cá lóc đồng tươi ngon, ngọt thanh, món lục bình xào tép dai giòn, đậm đà hương vị, bánh kẹp cuốn, bánh lá mít thơm ngon dân dã, hay lẩu mắm đặc trưng với đủ loại cá, tôm, rau củ,…
Cần Thơ còn chào đón du khách bằng:
- Hội hoa đăng Cần Thơ: Diễn ra tại bến Ninh Kiều vào thời điểm cuối tháng 11 mỗi năm, khách du lịch miền Tây sẽ được hòa mình vào không gian ngập tràn ánh sáng sặc sỡ và nhiều hoạt động thả hoa đăng, âm nhạc đường phố, mua sắm tại các gian hàng, tham quan lễ hội ánh sáng,…
- Lễ hội bánh Cần Thơ: Còn được gọi là lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, được tổ chức vào khoảng tháng 4 hàng năm tại quận Ninh Kiều. Đến đây, bạn có thể thỏa sức ăn vô vàn loại bánh ngọt đặc sản tại miền sông nước, ví dụ bánh bò, bánh cống, bánh đúc, bánh kẹo Ba Rích,…
- Lễ hội trái cây Tấn Lộc: Được tổ chức vào 5 tháng 5 âm lịch tại quận Thốt Nốt với mục đích tôn vinh nếp sống lành mạnh và quảng bá nền du lịch sinh thái tại đây. Một số hoạt động đặc sắc như giải Taekwondo, ăn tại gian hàng ẩm thực, tham quan trái cây tạo hình thủ công, múa lân,…
Lễ hội hoa đăng lấp lánh tại Cần Thơ (nguồn: Sưu tầm)
Ngoài ra, điểm du lịch miền Tây – Cần Thơ không chỉ có Cồn Sơn, du khách còn có thể đến Giàn Gừa, vườn trái cây Chín Hồng, chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều,… để check-in thỏa thích và lưu giữ vô vàn khoảnh khắc đáng nhớ khi đến tỉnh thành này.
5. VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM
Đồng Tháp níu chân du khách bởi những cánh đồng sen bát ngát, những con kênh hiền hòa, những cánh đồng lúa phì nhiêu và vô số danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nơi đây chính là điểm đến lý tưởng để du khách tạm gác lại những xô bồ, ồn ào của phố thị, hòa mình vào thiên nhiên thanh bình và trải nghiệm những điều thú vị.
Du lịch miền Tây tại Tràm Chim (nguồn: Sưu tầm)
Vườn Quốc gia Tràm Chim là một trong những địa danh không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp. Nơi đây được ví như “vương quốc chim” với hệ sinh thái đa dạng, phong phú và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Đến với Vườn Quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ được:
- Khám phá hệ sinh thái độc đáo: Đi xuồng len lỏi theo những dòng kênh xanh, ngắm nhìn vô số loài chim quý hiếm, tận hưởng hương sắc của các bông hoa rừng rực rỡ(hoa sen, hoa hoàng đầu ấn, hoa nhĩ cán, hoa súng,…).
- Trải nghiệm mùa nước nổi: Nếu đến đây vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 – 11 âm lịch), du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên ấn tượng với những cánh đồng lúa mênh mông ngập nước, vô vàn đàn cá tung tăng bơi lội và chim bay lượn khắp bầu trời.
Mùa nước nổi ở vườn quốc gia Tràm Chim (nguồn: Sưu tầm)
- Chiêm ngưỡng sếu đầu đỏ: Vào mùa khô, du khách sẽ có cơ hội xem “vũ điệu” đầy mê hoặc của những chú sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm được mệnh danh là “linh vật” của Vườn quốc gia Tràm Chim.
- Thưởng thức ẩm thực miệt vườn: Bạn có cơ hội ăn các món ăn dân dã thơm ngon (hủ tiếu Sa Đéc, nem Lai Vung, tắc kè xào lăn, bông súng mắm kho,…) mang đậm hương vị miền Tây ngay trong gian nhà lá thoáng mát giữa rừng.
Tiếp tục du lịch miền Tây tại Đồng Tháp, bạn nên cân nhắc thêm các điểm dừng chân sau đây vào lịch trình của mình: Làng hoa Sa Đéc, khu du lịch Xẻo Quýt, vườn Chà Là,… và vô vàn nơi check-in ấn tượng luôn chào đón bạn đến với vùng sông nước hữu tình. Lưu ý, bạn nên đến tỉnh thành này vào dịp 14 – 16 tháng 3 âm lịch để tham gia lễ hội Gò Tháp được tổ chức với quy mô lớn cùng các hoạt động hấp dẫn như múa hát, đấu võ, trò chơi dân gian vô cùng rộn ràng.
Chiêm ngưỡng nét đẹp ở làng hoa Sa Đéc (nguồn: Sưu tầm)
6. CÁNH ĐỒNG ĐIỆN GIÓ
Tọa lạc tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, cách thành phố Bạc Liêu hơn 10km, Cánh đồng quạt gió được xem như niềm tự hào của người dân địa phương và là điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa to lớn liên quan trực tiếp tới đời sống của con người nơi đây.
Từ xa, những cánh quạt khổng lồ sừng sững như những cánh chong chóng khổng lồ, xoay đều trên nền trời xanh thẳm, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. Đến gần hơn, du khách sẽ choáng ngợp trước sự to lớn và hiện đại của hệ thống điện gió, cảm nhận được sức mạnh thiên nhiên và sự nỗ lực từ phía con người trong việc khai thác năng lượng tái tạo.
Ngắm nhìn vẻ đẹp của cánh đồng điện quạt gió (nguồn: Sưu tầm)
Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu không chỉ là nơi sản xuất năng lượng sạch mà còn là điểm check-in “siêu hot” dành cho giới trẻ. Giữa khung cảnh rộng lớn, những cánh quạt trắng khổng lồ tạo nên phông nền độc nhất cho bức ảnh “sống ảo” lung linh. Sau khi vui chơi và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp kết hợp giữa tự nhiên và công nghiệp, bạn sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu du lịch miền Tây bằng việc đến: Nhà công tử Bạc Liêu, vườn chim, vườn nhãn cổ, khu du lịch Nhà Mát, cây xoài 341 tuổi,…
Tham quan nhà của công tử Bạc Liêu (nguồn: Sưu tầm)
Ngoài ra, Bạc Liêu còn có một số lễ hội ấn tượng mà du khách không nên bỏ lỡ, ví dụ:
- Lễ hội Ok om – Bóc: Tổ chức ngày 15 tháng 10 âm lịch để cúng trăng và mở hội đua ghe Ngo tưng bừng, náo nhiệt.
- Lễ hội dấu ấn Đồng Nọc Nạng: Diễn ra từ 15 – 17 tháng 2 âm lịch tại thị xã Giá Rai nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh giành lại ruộng đất từ tay Pháp.
- Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào: Hơn 300 tàu đánh cá sẽ thực hiện nghi thức ra khơi vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại huyện Đông Hải.
Đua ghe ở lễ hội Ok om – Bóc – nét đẹp du lịch miền Tây (nguồn: Sưu tầm)
LỜI KẾT
Chắc hẳn, qua bài viết này du khách đã xác định được lịch trình du lịch miền Tây sông nước rồi phải không? Viettel Money tin rằng, vùng đồng bằng này sẽ không làm bạn thất vọng, hãy lên kế hoạch và chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi sắp tới bạn nhé!