Review chi tiết du lịch Yên Bái 3 ngày 2 đêm mới nhất

Yên Bái là một tỉnh miền núi có phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như hang Thẩm Lé (Văn Chấn), hồ Thác Bà, du lịch sinh thái suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, di tích cách mạng chiến khu Vần, Căng Đồn, Nghĩa Lộ…

Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc văn hoá riêng. Hãy cùng Viettel Money lên rẻo cao và khám phá xem nơi đây có gì thú vị nhé!

Ruộng bậc thang ở Yên Bái (ảnh sưu tầm)

1. Du lịch Yên Bái vào mùa nào?

Du lịch Yên Bái có 2 mùa khá đẹp mà bạn không nên bỏ lỡ. Khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này ở khắp nơi sẽ vàng rực một màu, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây. 

Khoảng tháng 5 – 6 là mùa nước đổ, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng.

Người dân đi gặt lúa ở Mù Căng Chải (ảnh sưu tầm)

2. Di chuyển tới Yên Bái?

Dưới đây là 3 tuyến đường di chuyển từ Hà Nội đến Yên Bái mà mọi người có thể tham khảo:

Cung đường 1: Xuất phát từ Hà Nội, đi hướng cầu Thăng Long. Sau đó, các bạn chạy dọc theo Quốc lộ 2 để qua thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tiếp đó, mọi người đi tiếp qua thành phố Việt Trì của Phú Thọ rồi sẽ check-in được Yên Bái. Theo kinh nghiệm, các tín đồ mê phượt có thể chạy qua tuyến đường này bằng xe máy hoặc xe ô tô đều được.

Săn Mây ở Mù Căng Chải (ảnh sưu tầm)

Cung đường 2: Khởi hành từ trung tâm nội thành và di chuyển qua khu vực cầu Thăng Long. Sau đó, các bạn rẽ lên đường cao tốc hướng Nội Bài – Lào Cai, đến đoạn Từ Hà Nội đến Km121 + 300 thì sẽ có một lối rẽ xuống cầu Yên Bái. Lúc này, bạn chỉ cần di chuyển thêm khoảng 3km nữa là sẽ tới được thành phố Yên Bái rồi. Tuy nhiên, cung đường này chỉ dành riêng cho ô tô với vận tốc tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h.

Cung đường 3: Từ khu vực trung tâm Hà Nội, mọi người đi thẳng theo Đại lộ Thăng Long. Sau đó, rẽ phải vào Quốc lộ 21 đến Sơn Tây. Tiếp đến, các bạn sẽ lần lượt chạy qua các địa điểm như Ba Vì, cầu Trung Hà và cầu Phong Châu. Tiếp đó, mọi người sẽ rẽ qua đường ở Cẩm Khê và Hạ Hào thuộc tỉnh Phú Thọ. Cuối cùng, các tín đồ xê dịch tiếp tục di chuyển qua đường 32C ven sông Hồng là sẽ tới được thành phố Yên Bái. 

Với tuyến đường này, bạn phải di chuyển khoảng 170km bằng phương tiện ô tô hay xe máy cũng đều được hết.

Phượt Mù Căng Chải là sở thích của nhiều bạn đam mê xê dịch (ảnh sưu tầm)

3. Lưu trú ở Yên Bái 

Yên Bái có đa dạng các hình thức lưu trú từ khách sạn tiện nghi, resort sang trọng: Khách sạn Nghĩa Lộ, Le Champ Tú Lệ Resort, Mu Cang Chai Ecolodge… đến homestay: Homestay Bản Đỏ, Sơn Thịnh Homestay, Suối Giàng Homestay… 

Vì thế du khách có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình khi khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Yên Bái. 

4. Review chi tiết du lịch Mù Căng Chải – Yên Bái 3 ngày 2 đêm
Ngày 1: Hà Nội – Tú Lệ – Mù Căng Chải

Mù Căng Chải khá xa Hà Nội nên sẽ mất khoảng 8 – 9 tiếng đi xe. Do vậy đoàn mình dậy khá sớm để di chuyển, 6h00 sáng xe và hướng dẫn viên đã đón mình rồi, đi cung đường dọc quốc lộ 32 hướng Sơn Tây. 

Đoàn dừng chân ăn sáng ở gần Văn Tiến Dũng rồi lên đường đi thẳng lên Nghĩa Lộ. Vì là xe giường nằm nên đoàn mình không có cơ hội được mở cửa sổ ngắm cảnh, tuy nhiên tại các điểm dừng nghỉ đoàn mình vẫn được xuống để check in cung đường đèo rất đẹp.

Cảnh đẹp ở Tú Lệ (ảnh sưu tầm)

Chạy được gần 6 tiếng thì đoàn mình tới Nghĩa Lộ để ăn trưa, bữa đầu tiên khá đơn giản vì vẫn còn tới hơn 4 tiếng nữa mới tới nơi.

Trên đường đi xe có dừng chân tại Tú Lệ, ở đây có điểm dốc ba tầng, nơi bắt đầu địa giới của vùng. Điểm Tú Lệ có trời mây cao ngất, một bên là vách đá một bên là vực thẳm. 

Xung quanh xa xa còn thấy các mảnh ruộng của người Mông trồng bên vách đá, giữa các vách là nhà của người Mông. Theo truyền thống người Mông hay làm nhà ở gần ruộng để tiện trông coi vì họ quan niệm rằng ruộng đất là cái mốc, là món quà của đất trời. 

Khau Phạ – Tứ đại đỉnh đèo (ảnh sưu tầm)

Tiếp tục trên đường, đoàn được chiêm ngưỡng lần lượt ba dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Giữa ba dãy núi này có suối chảy qua, cũng là nơi mà tập trung nhiều người dân sống nhất vì lí do gần nguồn nước. 

Tới 16h30 thì đoàn mình tới Mù Căng Chải, nhận phòng và nghỉ ngơi đến 19h00 để ăn tối. Ngoài các món ăn cơ bản còn có đặc sản: nhộng ong, bánh chưng đen và gà nướng mắc mật. Giá thành đồ ăn rất hợp lý, phù hợp với túi tiền của đại đa số du khách. Sau đó mình tranh thủ thời gian đi dạo quanh thị trấn Mù Căng Chải và mua đồ lưu niệm.  

Nhộng ong món ăn không dành cho người sợ sâu (ảnh sưu tầm)

Ngày 2: Mù Căng Chải – Nghĩa Lộ 

Điểm đầu tiên đoàn mình đến là ruộng bậc thang Chế Cu Nha. Những thửa ruộng bậc thang cứ thế nối tiếp nhau, uốn lượn và trải dài khắp các sườn đồi và trở thành một điểm nhấn trong bức tranh núi rừng Yên Bái. 

Rất nhiều người đến Yên Bái chỉ để có thể được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang xã Chế Cu Nha. Mình thực sự đã rất ấn tượng với khung cảnh ở nơi này. 

Chế Cu Nha (ảnh sưu tầm)

Điểm tiếp theo là ruộng bậc thang Zế Xù Phình, La Pán Tẩn, đây là danh thắng du lịch quốc gia. Vào năm 2007, nơi đây lọt vào trong top 10 danh thắng quốc gia và còn vinh dự được vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. 

Sau đó đoàn dừng chân tại rừng thông Mù Căng Chải rộng lớn, ai cũng có thể dễ dàng chụp được những bức ảnh ưng ý. Trong đoàn có một đôi bạn nhân tiện chụp ảnh cho vào album ảnh cưới luôn.

Đến 11h00 đoàn mình về lại trung tâm Mù Căng Chải để ăn trưa rồi về Nghĩa Lộ để nhận phòng cho kịp giờ.

Rừng Thông ở Mù Căng Chải cây rất mau và sát nhau (ảnh sưu tầm)

Mất 2 tiếng đồng hồ để di chuyển từ Mù Căng Chải xuống Nghĩa Lộ nhưng cánh đồng Mường Lò ở đấy đã không làm cho mọi người thất vọng. Thời điểm này đúng vào mùa lúa chín nên cánh đồng Mường Lò vàng ruộm và thơm mùi lúa. 

Cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín (ảnh sưu tầm)

Bữa tối bắt đầu lúc 19h00 với đủ các món đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như chẩm chéo, thịt lợn đen, lẩu ngựa, rau rừng luộc chấm xì dầu, xôi ngũ sắc. Ăn xong, mình cùng một vài bạn đi thăm thị xã Nghĩa Lộ buổi đêm, không khí trong lành và không gian rất yên tĩnh. 

Thị xã Nghĩa Lộ buổi đêm (ảnh sưu tầm)

Ngày 3: Nghĩa Lộ – Suối Giàng – Bản Hốc – Hà Nội

7h30 sáng đoàn mình dậy trả phòng và bắt đầu lên xe đi thăm khu sinh thái Suối Giàng, nằm trên dãy Phan Xi Păng. Nơi đây nổi tiếng với những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuôi, rất thích hợp mua về làm quà. Uống một chút trà Shan Tuyết Suối Giàng, hít thở gió Tây Bắc. Đây là trải nghiệm thật sự hiếm có trong cuộc đời mình. 

Suối Giàng điểm du lịch rất nổi tiếng ở Nghĩa Lộ (ảnh sưu tầm)

Từ sáng cứ thắc mắc mãi vì sao phải chuẩn bị đồ tắm, hóa ra là điểm đến trong chặng của mình là suối nước nóng bản Hốc. Đoàn mình được xuống nghịch nước suối và tắm sớm, nhưng chủ yếu là thanh niên với trẻ con, người lớn tuổi lại chọn ngồi uống trà và tâm sự.

Tắm nóng ở bản Hốc (ảnh sưu tầm)

Tới 12h đoàn mình ăn trưa ở nhà hàng tại Bản Hốc, các món ở đây khá truyền thống và đều là đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Thịt lợn rừng ở đây phải nói là không ở đâu sánh bằng, tiện sau ăn đoàn mình đi bộ thêm một chút để mua các sản phẩm lưu niệm để sau đó về Hà Nội.

Vậy là kết thúc hành trình khám phá Mù Căng Chải trong vài ngày ngắn ngủi. Mình đã được ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây, cảnh vật thật khiến tâm hồn xao xuyến. Vì thế lừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng những ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, tắm suối nước nóng ở bản Hốc hay thưởng thức đặc sản địa phương tại Nghĩa Lộ. 

Tin tức khác

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

_________________

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Đại

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

Viettel Digital

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số ViettelChi nhánh Tập đoàn Công nghiệpViễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.