Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ
Năm 2022 đánh dấu chặng đường 76 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Cùng Viettel Money tìm hiểu chi tiết về tổ chức này ở bài viết dưới đây nhé!
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và Người làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội.Hội tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam nữ để làm công tác nhân đạo.
23/11 hàng năm là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống vẻ vang 76 năm của Hội chữ Thập đỏ.
Sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến nhằm bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động.
Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập.
Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Hoạt động công tác xã hội của Hội Chữ thập đỏ trong từng giai đoạn
Trải qua nhiều năm hoạt động chứng kiến nhiều sự thay đổi của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trải qua những giai đoạn, hoạt động như sau:
Giai đoạn 1946-1954
- Tham gia cứu chữa, bảo vệ thương binh, bệnh binh, mở các lớp cứu thương cấp tốc đào tạo người tình nguyện, chủ yếu là các kỹ thuật sơ cấp cứu, chăm sóc vận chuyển thương binh, bệnh binh;
- Vận động xã hội chăm lo trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào, đặc biệt là đồng bào di cư do chiến tranh, tích cực tham gia các phong trào tăng gia sản xuất, phòng chống lũ lụt, cứu đói, chăm sóc người già, trẻ mồ côi trong các trại tế sinh, tế bần của chế độ cũ để lại;
Giai đoạn 1955-1975
- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp nhận hồi hương kiều bào, vận động và giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn Mỹ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh.
- Các hoạt động của Hội tập trung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tham gia hoạt động phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường, cùng các bộ, ngành, đoàn thể diệt giặc đói, giặc dốt, chăm lo trợ giúp người nghèo, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ, hỗ trợ giúp ổn định cuộc sống kiều bào hồi hương
Giai đoạn 1976-1987
Hoạt động tham gia chăm sóc, trợ giúp các gia đình thương binh, liệt sỹ, những người khuyết tật, trợ giúp nạn nhân chiến tranh.
Hội cũng tích cực tham gia vận động làm đường giao thông, xóa cầu khỉ, xây cầu dân sinh mới (ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long), thành lập các đội trợ táng, giúp đỡ ma chay cho các gia đình nghèo. Một số mô hình công tác xã hội xuất hiện và lan tỏa nhanh chóng, như: mô hình “Hũ gạo tình thương”, liên gia đình giúp nhau…
Giai đoạn 1987-2007
Công tác xã hội nhân đạo là 1 trong 5 nhiệm vụ cơ bản của Hội, đó là: Tham gia thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người về hưu hoặc mất sức lao động, những trẻ mồ côi, những người già cô đơn, những người tàn tật gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau khi có thiên tai, địch hoạ…
Giai đoạn từ năm 2007 đến nay
Công tác xã hội nhân đạo là 1 trong 4 hoạt động ưu tiên chiến lược của Hội với các phong trào, cuộc vận động lớn, như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, bếp ăn tình thương, hũ gạo tình thương,…
Hoạt động chào mừng 76 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Bước vào nhiệm kỳ mới 2022-2027, với quyết tâm đổi mới đột phá, từng bước thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, toàn Hội đang nỗ lực từng bước hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI bằng những chương trình hành động cụ thể, với 08 chỉ tiêu cơ bản và các định hướng lớn gồm:
Hai khâu đột phá:Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; ii) Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo;
Một phong trào lớn – Một cuộc vận động lớn: Phong trào: “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” với mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, qua đó góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội, là hoạt động cụ thể để tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh;
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được tổ chức sâu rộng như hoạt động nền tảng, căn cốt của mỗi cấp Hội với sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ thông tin và vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, trường học, khu vực tư nhân, đảm bảo trợ giúp và vận động trợ giúp hầu hết các “địa chỉ nhân đạo” thuộc ngân hàng “địa chỉ nhân đạo” do Hội quản lý và xác định “ngư dân nghèo, khó khăn”, “trẻ em nghèo, khuyết tật” là các “địa chỉ nhân đạo” trong Cuộc vận động này ở những địa bàn liên quan;
Hai chương trình trọng điểm: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển;
Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành đã và đang triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và tỉnh Hòa Bình).
Hai đề án: Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”; Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào cộng đồng”.
Trước mắt, toàn Hội tiếp tục đẩy mạnh hai chương trình trọng điểm “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” đã khởi động từ Tháng Nhân đạo 2022.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động nhân đạo và trước mắt toàn Hội sẽ tập trung thực hiện tốt Phong trào “Tết nhân ái” năm 2023 (kế thừa Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” khởi xướng từ năm 1999) với những đổi mới về phương thức hoạt động hỗ trợ, người dân đến tham dự chương trình được lựa chọn theo nhu cầu thay vì được nhận những món quà cố định trao tặng như trước thông qua hoạt động của Chương trình “Tết nhân ái”.
Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2022) diễn ra ngay sau thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước hãy đoàn kết, đồng lòng để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của đất nước, để mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ thiên tai, thảm họa xảy ra ở địa bàn đều có sự có mặt sớm nhất, kịp thời nhất của những “chiến sĩ áo đỏ”, xứng đáng với sứ mệnh cống hiến không mệt mỏi vì hạnh phúc của nhân dân, sự tiến bộ, công bằng của xã hội cũng như để mỗi người dân Việt Nam “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên đây là những kiến thức về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và những hoạt động chào mừng 76 năm thành lập tổ chức. Hy vọng bài viết trên cung cấp nhiều thông tin hữu ích dành cho bạn.