Tất tần tật về du lịch Yên Bái

1. Giới thiệu Yên Bái 

Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 180 km. 

Yên Bái là điểm sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hoá nhân bản, thể hiện qua những di vật, di chỉ phát hiện ở hang Hùm (Lục Yên), công cụ bằng đá ở Thẩm Thoóng (Văn Chấn), thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Minh Xuân (Lục Yên). Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện tại đền, tháp, khu di tích lịch sử. Hãy cùng Viettel Money tìm hiểu những điều tuyệt vời ở Yên Bái 

Ruộng bậc thang ở Yên Bái (ảnh sưu tầm)

2. Du lịch Yên Bái vào thời gian nào?

Địa danh nổi tiếng nhất của Yên Bái chính là ruộng bậc thang Mù Căng Chải. Đến Mù Căng Chải vào khoảng tháng 5-6 hoặc tháng 9-10, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của ruộng bậc thang mùa đổ nước và ruộng bậc thang mùa lúa chín. 

Mùa hè tại Yên Bái (ảnh sưu tầm)

Ngoài ra, đi du lịch Yên Bái vào khoảng tháng 9-11 cũng khá thích hợp, lúc này mùa mưa Tây Bắc cũng đã hết, thời tiết chưa chuyển sang cái lạnh của mùa đông. Còn nếu muốn trải nghiệm việc ngâm mình trong các suối nước nóng giữa cái lạnh mùa đông miền Bắc thì hãy đến Yên Bái vào khoảng từ tháng 12-1 hàng năm.

3. Đi phương tiện gì tới Yên Bái?

Đi từ Hà Nội có 2 đường chính để lên Yên Bái đó là Quốc lộ 32 và Quốc lộ 70. Để đi các huyện Văn Chấn, Mù Căng Chải và Thị xã Nghĩa Lộ bạn sẽ đi theo hướng Quốc lộ 32, để đi về hướng thành phố Yên Bái thì bạn sẽ đi theo Quốc lộ 70 hoặc đi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và ra ở nút Yên Bái. Hoặc đi xe khách từ bến xe Mỹ Đình, đa phần các chuyến xe này đều có điểm dừng cuối cùng ở Yên Bái.

Ngoài ra, nếu xuất phát từ Hà Nội các bạn có thể lên tới Yên Bái bằng tàu hỏa, có một chuyến tàu YB3 đi trực tiếp tới Yên Bái và 2 chuyến tàu SP1 – SP3 đi Lào Cai có dừng trả khách ở ga Yên Bái. Với tàu YB3 thời gian đi lúc 18h10 và tới Yên Bái lúc 22h50. Riêng 2 chuyến tàu đi Lào Cai sẽ khởi hành muộn hơn và tới Yên Bái vào khoảng 1-2 h sáng. Nếu định đi tàu, các bạn nên đi chuyến tàu YB3.

Phượt bằng xe máy cũng là một lựa chọn thú vị (ảnh sưu tầm)

4. Các địa điểm du lịch ở Yên Bái

4.1. Mù Căng Chải

Từ Hà Nội đến với Mù Căng Chải, bạn có thể đi theo hướng Quốc lộ 32 để khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Căng Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch là “đặc sản” ruộng bậc thang. 

Mù Căng Chải có hơn 700 ha ruộng, trong đó 50% diện tích tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn. Chắc chắn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người khi ngắm màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Căng Chải đã được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.

Mù Căng Chải buổi sáng (ảnh sưu tầm)

4.2. Cánh đồng Mường Lò

Cách thành phố Yên Bái khoảng 80km về hướng Tây, cánh đồng Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã Nghĩa Lộ và là cánh đồng có diện tích lớn thứ hai của vùng núi Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng. Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng, hương vị gạo tẻ và chè đặc sản.

Đến với Mường Lò du khách sẽ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu những điệu xòe cổ. Người dân địa phương rất vui vẻ, thân thiện. Hãy thử một lần cùng họ nắm tay, nhảy múa nhịp nhàng theo nhịp cồng chiêng và tiếng khèn vang rừng.

Cánh đồng Mường Lò (ảnh sưu tầm)

4.3. Hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà được ví như Hạ Long trên núi, nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Nơi đây nổi tiếng với những đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động rất đẹp ẩn sâu trong lòng núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy đã tạo cho hồ Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền ảo nhưng lại thân thiện, hữu tình.

Hồ Thác Bà nhìn từ trên cao (ảnh sưu tầm)

4.4. Bản Chao Hạ

Chao Hạ là một bản người Thái của xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 2012, dưới sự đi đầu tiên phong của một vài người dân, Chao Hạ đã chuyển mình nghiêng theo hướng làm du lịch cộng đồng. Đến nay, bản đã là một trong những địa điểm đặc biệt yêu thích của khách du lịch nước ngoài. 

Họ đến bản Chao Hạ để ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, dãy núi trùng điệp, những con suối nhỏ mát lành. Du khách còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa của người dân tộc Thái: ăn thịt gà đen nhảy ổ, rêu đá suối Thia hay món bọ xít non dành cho những người gan dạ.

Bình minh ở bản Chao Hạ (ảnh sưu tầm)

4.5. Chợ đá quý Lục Yên

Một trong những phiên chợ lạ nhất Việt Nam, chợ đá quý Lục Yên chắc chắn sẽ mang lại cho chuyến đi của bạn nhiều thú vị khi đi du lịch Yên Bái. Để đến được phiên chợ này, bạn phải vượt qua một quãng đường khá xa. Tuy nhiên khi đã đến đây rồi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt đẹp từ đá quý của những nghệ nhân chế tác.: thạch anh, ngọc lục bảo, hồng ngọc… và nhiều loại đá quý khác mà không nơi nào có. 

Ngoài hoạt động mua bán, đây còn là nơi hội tụ của những nghệ nhân đá quý vô cùng tài năng. Du khách sẽ được gặp gỡ, trò chuyện và tận mắt chứng kiến họ chế tác ngay tại chợ. Mỗi nghệ nhân, mỗi viên đá đều chưa đựng một câu chuyện thú vị khác nhau. 

Hình ảnh du khách tìm kiếm các sản phẩm đá quý tại chợ Lục Yên (ảnh sưu tầm)

4.6. Tà Xùa

Tà Xùa là vùng núi cao thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; nơi giáp ranh giữa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và huyện Bắc Yên (Sơn La).

Tà Xùa được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi non, mệnh danh là thiên đường nơi hạ giới. Đỉnh núi được bao phủ bởi rừng núi xanh mướt, và từ đỉnh cao, bạn có thể nhìn ngắm toàn cảnh của vùng núi xung quanh. Đối với những người yêu thích trekking và leo núi, Tà Xùa là một thách thức đích thực. Con đường đòi hỏi sự kiên nhẫn, sức khỏe và kinh nghiệm rất nhiều.

Hình ảnh săn mây tại Tà Xùa (ảnh sưu tầm)

Cũng nhờ thế mà Tà Xùa trở thành một trong những địa điểm du lịch Yên Bái hấp dẫn khách du lịch. Tà Xùa được tạo bởi ba đỉnh núi hùng vĩ. Nơi đây quanh năm được mây ngàn bao phủ, có một hệ thống rừng nguyên sinh, cây cổ thụ rêu phong,…

4.6. Nhà máy thủy điện Thác Bà

Nhà máy thủy điện Thác Bà do Liên bang Nga (Liên Xô cũ) giúp đỡ xây dựng. Đây là đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, là nhà máy thủy điện đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Nhà máy đã được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khi mà nền kinh tế Miền Bắc còn non trẻ.

Khu vực xung quanh nhà máy thủy điện Thác Bà là một phong cảnh đẹp và yên bình. Bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh của thác nước Thác Bà cùng với các dãy núi xanh mướt bao quanh. 

Thủy điện Thác Bà ngăn dòng sông dữ (ảnh sưu tầm)

Chi phí vào thăm quan thủy điện rất rẻ chỉ từ 50,000 – 100,000 VND/người/lượt có bao gồm hướng dẫn viên với các đoàn từ 5 người trở lên.

4.7. Đền Mẫu Thác Bà

Đền Mẫu Thác Bà là một trong số ít những ngôi đền dọc bờ sông Chảy còn giữ lại được cho đến tận ngày nay. Đền Thác Bà (hay Đền Mẫu Thác Bà) tọa lạc trên núi Hoàng Thi, từ lâu đã nổi tiếng là chốn linh thiêng với đông đảo du khách thập phương. 

Vượt qua 365 bậc đá đến trước cửa sân đền, tận hưởng làn gió mát lành từ biển hồ mang cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát toàn cảnh công trình thủy điện đầu tiên của cả nước và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình. 

Hàng năm, Lễ hội Đền Thác Bà được tổ chức vào ngày 8 và 9 tháng Giêng âm lịch, hay còn gọi là lễ hội mùa xuân. Chính là lễ hội lớn nhất trong năm với những nghi thức truyền thống trang trọng.

Lễ hội tại Đền Mẫu Thác Bà (ảnh sưu tầm)

5. Ẩm thực Yên Bái

5.1. Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về. 

Bánh chưng đen của người Thái được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với than núc nác, hoa cây vừng đen, vị ngọt làm người ăn như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên nơi miền tây Yên Bái.

Bánh chưng đen được gói hình vuông tượng trưng cho đất (ảnh sưu tầm)

5.2. Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Có người gọi mắc khén là hạt tiêu rừng và khiến ta dễ liên tưởng đến cây hồ tiêu dại mọc trong rừng.  Nhưng sự thật không phải vậy. Mắc có nghĩa là quả, còn khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn. 

Mắc khén là linh hồn của núi rừng Tây Bắc (ảnh sưu tầm)

Các sử dụng mắc khén thông dụng nhất là dùng để ăn kèm với xôi nếp nương, mà phải là nấu bằng gạo nếp thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ ở dưới chân đèo Khau Phạ. Chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng. Loại gia vị này còn dùng để tẩm ướp, mang lại cho các món ăn của người Thái những hương vị đặc trưng. .

5.3. Măng sặt

Trước đây, cây măng sặt mọc tự nhiên trên vùng đồi của huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn nhưng nhiều nhất là ở thị xã Nghĩa Lộ. Trước đây, sản lượng măng sặt không có nhiều do mọc tự nhiên không ai sự chăm sóc. 

Nhưng khi nhận thấy nhu cầu của cả người dân và du khách thập phương đối với măng sặt thì người Dao, người Thái đã tổ chức quy hoạch, trồng măng trong các khu rừng già và chủ động chăm sóc cẩn thận. Vì vậy măng phát triển tốt, thân mập hơn và ăn cũng ngon hơn. 

Chỉ măng sặt Yên Bái mới có vị ngon riêng (ảnh sưu tầm)

5.4. Xôi trứng kiến

Linh hồn của món xôi này chính là trứng kiến đen và gạo nếp nương của Mù Căng Chải. Khi tiết trời sang xuân ấm áp là lúc loài kiến nơi này sinh sôi và phát triển mạnh. Đây là thời điểm vàng để bà con có thể lấy trứng kiến về nấu xôi. Để lấy được trứng kiến thì phải chọn đi những ngày nắng ráo, nhằm đảm bảo được độ khô và lưu giữ hương vị cho trứng.

Xôi trứng kiến ăn kèm với hành khô (ảnh sưu tầm)

5.5. Cá nướng hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà có sản lượng thủy sản hàng nghìn tấn mỗi năm. Vì vậy trong hành trình du lịch hồ Thác Bà đừng bỏ qua các món ngon từ cá. Những con cá tươi ngon được đánh bắt hàng hàng, qua bàn tay chế biến của người dân bản địa đã tạo thành những hương vị rất riêng biệt. 

Cá nướng hồ Thác Bà rất ngon và trình bày bắt mắt (ảnh sưu tầm)

6. Lưu trú tại Yên Bái

Hệ thống khách sạn nhà nghỉ Yên Bái nhìn chung khá đầy đủ, tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Mù Căng Chải, Nghĩa Lộ, Yên Bình thì lượng khách sạn nhà nghỉ đủ đáp ứng số lượng lớn khách du lịch. 

Ngay cả các huyện mà du lịch chưa quá phát triển, không khó để bạn có thể tìm được một khách sạn hoặc nhà nghỉ có chất lượng tương đối ổn. Giá phòng ở đây tương đối phù hợp giá tiền của đại đa số du khách, 300.000VNĐ – 500.000VNĐ/đêm là đầy đủ các tiện nghi cơ bản và không gian thoải mái.

Sự đa dạng về địa hình, thời tiết và cảnh quan tại Yên Bái mang lại cho du khách nhiều lựa chọn khám phá và trải nghiệm. Điều này giúp cho việc du lịch Yên Bái trở nên thú vị và đa dạng hơn, phù hợp với nhiều sở thích và mong muốn khác nhau. 

Tin tức khác

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

_________________

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Đại

NHẬN THÔNG TIN
TỪ VIETTEL MONEY

Viettel Digital

Cơ quan chủ quản: Tổng Công ty Dịch vụ số ViettelChi nhánh Tập đoàn Công nghiệpViễn thông Quân đội.
Số 01, phố Giang Văn Minh, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
GCN ĐKHĐ: 0100109106-478 – Cấp lần đầu: 06/06/2019, Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội.