Review du lịch thành phố Hòa Bình 2 ngày 1 đêm
Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 73 km. Hòa Bình được mệnh danh là “tỉnh Mường” bởi lẽ đây là nơi sinh sống của chủ yếu của người Mường (chiếm hơn 60% dân số).
Hòa Bình nổi tiếng với nhiều nét đặc sắc trong văn hóa, con người từ các dân tộc anh em: Mường, Dao, Thái, H’Mong, Kinh, Tày. Đặc biệt, Hòa Bình còn được khách du lịch biết đến là nơi sở hữu nhiều phong cảnh thiên nhiên hữu tính có sông, nước, núi, rừng, luôn giữ được nét đẹp hoang sơ vốn có. Viettel Money sẽ gợi ý cho bạn một lịch trình du lịch thành phố Hòa Bình 2 ngày một đêm cực thú vị.
Thành phố Hòa Bình từ trên cao (ảnh sưu tầm)
1. Di chuyển đến Hòa Bình
Xe khách: Hiện tại, có 3 hãng xe khách phục vụ khách di chuyển từ Hà Nội – Hòa Bình – Hà Nội tại bến xe Mỹ Đình và Yên Nghĩa, đó là xe Hiển Vinh, Liên Minh và Bình An.
Theo đó, các bạn chỉ cần di chuyển tới 2 bến xe này và bắt xe đi tới thành phố Hòa Bình. Giá vé một chiều của xe khách là 150.000VNĐ/khách/lượt.
Sau khi tới thành phố Hòa Bình, các bạn có thể chọn tiếp phương án di chuyển tới điểm tham quan mong muốn bằng cách thuê xe máy hoặc đi xe buýt.
Xe bus cũng là một trong các sự lựa chọn đi Hòa Bình (ảnh sưu tầm)
Xe ghép: Bạn có thể lựa chọn phương án xe ghép 4 – 7, lịch xe đi trong ngày rất nhiều và thường xuyên. Xe sẽ đưa đón tận nơi, rất thuận tiện và chủ động.
Xe máy: Xe máy là phương tiện rất chủ động khi đi Du lịch Hòa Bình, phù hợp với các bạn trẻ.
Các bạn chỉ cần đi từ Đại Lộ Thăng Long, đi thẳng tiếp theo cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là có thể tới thành phố Hòa Bình. Đây là con đường ngắn nhất để lên tới Hòa Bình.
2. Lưu trú tại Thành Phố Hòa Bình
Tại thành phố Hòa Bình có khá nhiều khách sạn 2 – 3 sao nằm cả ở 2 bên bờ sông. Các khách sạn này có giá từ 400.000 – 600.000 VNĐ. Các dịch vụ ở đây đều đầy đủ các tiện nghi cơ bản, một số có giá cao hơn thì có thêm một vài dịch vụ khác tương xứng với mức giá. Ngoài ra các homestay gần khu vực đường lên thủy điện Hòa Bình cũng rất đa dạng và có mức giá vừa phải.
Ngoài ra, một số villa có dịch vụ sang trọng, có view núi rừng rất nên thơ: The White villa Lương Sơn, Bee- Hill villa Hòa Bình, Villa Rose Beverly…
3. Review chuyến du lịch thành phố Hòa Bình 2 ngày 1 đêm rất chi tiết
Ngày 1: Di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Hòa Bình – Thăm quan thành phố Hòa Bình – Check in – Thăm quan thủy điện Hòa Bình – Thăm quan và dâng hương khu vực tượng Bác Hồ – Ăn tối – Dạo phố đi bộ Hòa Bình – Nghỉ ngơi.
Xuất phát: Chúng mình xuất phát từ Hà Nội lúc 8h30 và có mặt tại Hòa Bình vào lúc 10h00, đi Hòa Bình thường rất nhanh do vậy mình không dừng chân ở trạm dừng nghỉ nào trên cao tốc cả.
Thăm quan thành phố Hòa Bình: Khi đến nơi rất may mắn là thời tiết lúc đó mát mẻ, chúng mình đi qua thăm quảng trường thành phố và các điểm hội chợ xung quanh. Quảng trường thành phố Hòa Bình được xây dựng từ năm 2016 với tổng diện tích là 14.5ha, nơi đây được sử dụng để tổ chức các hoạt động, sự kiện ngoài trời và cùng là không gian tập thể dục của người dân nơi đây.
Quảng trường thành phố Hòa Bình rất rộng và có nhiều không gian chơi (ảnh sưu tầm)
Check-in: Chúng mình lựa chọn ở khách sạn Hoa Đào (Sakura Hotel), đây là một khách sạn tầm trung ở thành phố Hòa Bình với mức giá rất hợp lý: 400.000 – 600.000 VND/phòng/đêm. Giường đệm rất êm và sạch sẽ, phòng khá rộng nên một phòng có 1 giường đôi và 1 giường đơn, có thể ở tới 3 người. Tổ hợp khách sạn nằm trong một khu riêng có kèm nhà hàng và các dịch vụ ăn uống nên rất tiện cho việc lưu trú, di chuyển và tiết kiệm thời gian.
Phòng nghỉ tại khách sạn Hoa Đào (ảnh sưu tầm)
Thăm quan thủy điện Hòa Bình: Để vào được khu thăm quan chúng ta phải mua vé ở ngoài cổng, điều đặc biệt ở đây là khi mua vé với đoàn từ 5 người trở lên sẽ có một hướng dẫn viên hỗ trợ và thuyết minh về địa danh.
Các khách du lịch sẽ chỉ được tiếp cận khu tổ máy số 1 trên tổng số 8 tổ máy phát điện, các tổ máy đều được xây trong lòng núi đá vô cùng chắc chắn. Để đưa được các máy vào trong lòng núi cần tới kỹ thuật cực cao để khai phá và tiến sâu vào lòng núi đá.
Thủy điện Hòa Bình là một công trình lịch sử (ảnh sưu tầm)
Thăm quan và dâng hương khu vực tượng Bác Hồ: Tiếp tục đến khu vực tượng đài Bác Hồ để tiến hành lễ dâng hương bày tỏ lòng thành kính. Chuyện kể rằng khi Bác hồ đến đang vào mùa nước lũ, nhân dân đã làm bè mảng lớn để đưa Bác qua sông. Đứng trên bè, Bác chỉ tay xuống dòng sông Đà và nói: “Sau này nước nhà thống nhất, chúng ta phải chinh phục dòng sông này để ngăn lũ, phục vụ lợi ích nhân dân.”
Đứng ở đây còn có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Hòa Bình từ trên cao, ngắm sông Đà và ngắm hoàng hôn trên sông.
Tượng Bác Hồ cao 18m nặng hơn 400 tấn (ảnh sưu tầm)
Ăn tối: Tại nhà hàng của khách sạn Hoa Đào với có mức giá 150.000 VNĐ/người, khá rẻ cho một bữa ăn nhưng lại có đầy các món chiên xào, mẹt thịt lợn đen bản địa với thịt luộc, thịt nướng, lòng, dồi,… Thêm các món canh xương lợn, lá đu đủ trộn thịt. Đĩa nào cũng rất đầy đặn và bữa ăn thực sự ngon miệng.
Mẹt thịt lợn đen rất đầy đủ (ảnh sưu tầm)
Thăm quan phố đi bộ Hòa Bình: Phố đi bộ ở đây không khác so với phố đi bộ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên điều đặc biệt là con phố này chạy dạo theo sông Đà nên được thừa hưởng không khí thoáng mát, trong lành. Đây là nơi người dân địa phương và cả du khách có thể vừa tản bộ vừa hít căng gió trời vào buổi tối.
Các hàng quán trên phố đi bộ rất phong phú (ảnh sưu tầm)
Phố đi bộ Hòa Bình vào ban ngày vẫn được lưu thông xe máy (ảnh sưu tầm)
Ăn sáng – Check out – Thăm quan Sông Đà – Thăm mô hình sinh kế nuôi cá lồng – Ăn trưa – Chèo thuyền Kayak/sub trên sông – Trở về Hà Nội
Ăn sáng: Đồ ăn sáng buffet ở đây khá đầy đủ với các món mặn, cơm rang, mỳ xào và có riêng một quầy làm trứng đủ loại cho khách lưu trú. Thời gian ăn sáng từ 6h00 đến 9h00, ngoài ra những khách có lí do đặc biệt thì có thể được mang đồ ăn khô từ quầy buffet lên phòng để ăn.
Thăm quan sông Đà: Theo lịch trình mình đi ra cảng Bích Hạ để lên thuyền và đi thăm Sông Đà, vào mùa nước lên nên dòng sông rất trong xanh, nước mát và sạch. Thuyền đi qua các lồng cá và khu nhà nổi trên sông để du khách quan sát được kỹ hơn. Trên thuyền cũng có đủ các tiện nghi như khu nấu ăn, khu vệ sinh, khu nghỉ ngơi rất sạch sẽ thoáng mát. Tuy nhiên thuyền máy nên tiếng hơi ồn một chút, mình phải lên khu tầng 2 để đỡ ồn và đón gió nhiều hơn.
Thuyền thăm quan Sông Đà rất to và chắc chắn (ảnh sưu tầm)
Thăm mô hình sinh kế nuôi cá lồng: Thuyền dừng ở một khu nhà dân là thành viên của nhóm sinh kế nuôi cá lồng, chất lượng thịt cá ở đây thuộc vào loại bậc nhất do quy trình chăn nuôi và phương pháp phối trộn thức ăn rất kỳ công.
Tại đây đoàn mình cũng được trải nghiệm hái lá sắn, băm cá con để trộn thức ăn và mang ra từng lồng cho cá lớn ăn. Đi trên các lồng cá trên mặt sông, có thể cảm nhận được nước lập lờ dưới chân, thấy cá bơi sát gần người, khi quăng thức ăn xuống thì cá lao lên đớp liên tục tạo ra một khung cảnh khá là bắt mắt.
Khu vực nuôi cá lồng rộng lớn trên sông Đà (ảnh sưu tầm)
Ăn trưa: Người dân ở đây phục vụ ăn trưa bằng các món cá, các món rau tự làm, từ cá luộc, nướng, canh cá, fillet… Thịt cá rất chắc, ngọt, các loại rau củ thu hoạch gần sông ăn rất ngon. Chúng mình ngay sau khi ăn xong đã đặt sẵn cá để sau khi chơi xong mang về Hà Nội.
Chèo thuyền Sub/Kayak trên sông: Đây là một trong những hoạt động rất thú vị. Khu cho thuê thuyền cũng dành 15’ để hướng dẫn an toàn mặc áo phao và cách chèo sao cho đúng, cách tăng tốc độ, giảm tốc độ và quan trọng nhất là cách chuyển hướng chuẩn nhất. Khu vực vui chơi rất rộng nên khách có thể thoải mái chèo thuyền mà không sợ bị va chạm vào nhau.
Chèo thuyền Kayak trên sông Đà (ảnh sưu tầm)
Di chuyển về Hà Nội: Sau khi chèo thuyền mệt mỏi, chúng mình lên tàu quay trở lại khu nuôi cá lồng, cá đã được người dân cho sẵn vào trong thùng xốp để chúng mình mang về, thịt cá đã được làm sạch và ướp đá về Hà Nội vẫn còn tươi mát.
Du lịch thành phố Hòa Bình là một cơ hội tuyệt vời cho gia đình hoặc nhóm bạn muốn trải nghiệm một kỳ nghỉ cuối tuần nhẹ nhàng, tìm hiểu lịch sử và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam, đặc biệt là ở Hòa Bình. Còn chần chừ gì mà không đi ngay Hòa Bình thôi!