Chào mừng ngày thành lập Mặt trận tổ Quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cùng tìm hiểu về sự ra đời của tổ chức này nhé.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?
Tại Điều 9 Hiến pháp quy định:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội chủ nghĩa, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Lịch sử thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tiền thân là Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930) đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, đạt được kết quả cao, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức và xây dựng một mặt trận dân tộc giải phóng và thống nhất.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945) trong từng giai đoạn lịch sử Đảng đã lần lượt thành lập các mặt trận nhằm đáp ứng cho nhu cầu cách mạng.
Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ 1936 -1939 lần lượt các mặt trận ra đời, đó là Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế. Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền là sự thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh(19/5/1941).
Trong giai đoạn chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 29/5/1946 Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) thành lập. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, bảo vệ dân tộc giải phóng đất nước.
Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh – Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính Cương của mặt trận.
Mục đích phấn đấu của mặt trận Liên Việt là: “Tiêu diệt thực dân pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ…”Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc…”.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay với mục đích phá hoại Hiệp định Giơnevơ và chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua một số Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc giải phóng, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thành công xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tập hợp, hội tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng rộng rãi hơn, sâu sắc hơn với nhiệm vụ khó khăn hơn trước.
Tham gia giữ vững chính quyền và xây dựng một chính quyền vì nhân dân, của nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Những người làm công tác Mặt trận hôm nay luôn đề cao vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, trực tiếp tham gia vào những vấn đề hệ trọng của đất nước thông qua vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc thực hiện phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư; chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân và tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân, gửi tới Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để báo cạo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương để gửi lên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Sau khi tổng hợp thì sẽ được gửi lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuối cùng sẽ được tổng kết lại và báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào công tác bầu cử thông qua việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật.
Tham gia xây dựng pháp luật: Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh.
Tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật.
Hoạt động kỷ niệm và phát huy truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nhằm phát huy truyền thống lừng lẫy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như chào mừng kỷ niệm mặt trận Tổ quốc Việt Nam , ngày nay các cấp lãnh đạo và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng đi đôi với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, góp phần xây dựng nước nhà ngày càng phát triển.